Tin tức
BÀI HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ NHỮNG SỰ LỤI TÀN
- 29/09/2021
- Đăng bởi: admin
- Danh mục: Thư viện chuyển đổi số
Chẳng phải ngẫu nhiêu mà ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt tay vào chuyển đổi số. Thế nhưng vẫn còn những doanh nghiệp chần chừ, băn khoăn với hàng tá câu hỏi: Vì sao tôi phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số để làm gì? Chuyển đổi thất bại thì sao? Không chuyển đổi số thì có sao không? Không chuyển đổi số, có lẽ ngay bây giờ Doanh nghiệp của bạn sẽ chưa ảnh hưởng gì, nhưng trên đường đua sắp tới, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bị bỏ lại phía sau. Câu chuyện của những ông lớn sau đây là một minh chứng điển hình.
Cái chết của Kodak – kẻ thống trị một thời
Kodak – kẻ thống trị thị trường phim ảnh trong nhiều thập kỷ trước đây nhờ bán sự tiện lợi trong việc chụp hình. Những chiếc máy ảnh nhỏ gọn có thể mang đi khắp nơi cộng với mô hình kinh doanh khác lạ: bán máy ảnh rẻ như cho, chủ yếu là bán phim cùng thuốc rửa phim đã giúp Kodak mang về doanh thu không tưởng.
Năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã phát minh ra chiếc máy chụp ảnh kỹ thuật số (digital camera) đầu tiên với độ phân giải 0,1 megapixel, nhưng cuối cùng ban lãnh đạo của Kodak cho nó xếp xó do lo sợ phát minh này sẽ khiến người ta không mua phim và thuốc rửa phim nữa. Lúc đó, Kodak đang chiếm 80 – 90% thị phần phim ảnh thế giới.
Đến năm 1995, sau khi nhận ra sai lầm của mình, Kodak vội vàng nhảy vào mảng máy ảnh kỹ thuật số và tung ra nhiều sản phẩm bán khá chạy. Tuy nhiên, ngành hàng này cũng nhanh chóng bị đánh bại bởi sự ra đời của iPhone thế hệ đầu tiên vào năm 2007.
Năm 2010, sự xuất hiện của Instagram trở thành ‘giọt nước làm tràn ly’, khiến Kodak phá sản vào năm 2012. Nếu như vào năm 1999, để có hơn 21,6 tỷ tấm ảnh, khách hàng trên thế giới phải trả cho Kodak 8 tỷ USD (lúc này giá thị trường của Kodak khoản 20,9 tỷ USD và có 83.000 nhân công), thì tới năm 2013, 21,9 tỷ tấm ảnh mà mọi người khoe với nhau trên Instagram có giá 0 đồng (giá thị trường của Instagram vào năm 2012 khoản 1 tỷ USD với 12 nhân công).
Các chuyên gia nhận định, lý do khiến Kodak phá sản là do họ đã không biết cách số hóa phim ảnh và không dám thay đổi vì có quá nhiều thứ để mất.
Thomas Cook – hệ sinh thái nổi tiếng trong ngành du lịch thế giới và cú sốc toàn cầu
Năm 2019, không ít khách hàng của Thomas Cook – hệ sinh thái nổi tiếng trong ngành du lịch thế giới đã gặp tình cảnh dở khóc dở cười khi hãng này tuyên bố phá sản và ngừng ngay lập tức các giao dịch, khiến các chuyến bay của hãng đình trệ, và hàng trăm ngàn hành khách của hãng du lịch danh tiếng này bị mắc kẹt tại các điểm đến không thể trở về nhà.
Thomas Cook đã phải phải tuyên bố phá sản vì không thể huy động được thêm 250 triệu USD để trang trải cho các món nợ đến kì đáo hạn trong khi tình hình kinh doanh thì ngày càng bê bết lún sâu vào lỗ.
Đế chế du lịch Thomas Cook với gần 200 năm tuổi, với những điểm giao dịch nằm trên các con phố thương mại nổi tiếng và sang trọng ở Anh quốc và các quốc gia Châu Âu, cùng với bộ máy nhân sự cồng kềnh ngốn nhiều chi phí, không thể cạnh tranh nổi với những đại lí du lịch trực tuyến như Expedia hay Booking.com đang phủ rộng toàn cầu nhờ tiện ích Internet và nền tảng kinh doanh được số hóa. Trong khi đó, cho đến khi tuyên bố phá sản, Thomas Cook vẫn còn đến hơn 600 điểm văn phòng, và giao dịch chủ yếu dựa vào tổng đài với nhân viên thường xuyên túc trực.
Vinasun thất thế, taxi công nghệ lên ngôi
Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, Vinasun từng là doanh nghiệp taxi đầu ngành với giá cổ phiếu năm 2014 ở mức khá cao là 50.000/1 cổ phiếu. Nhưng ở thời điểm tháng 4.2021, cổ phiếu VNS đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện cảnh báo vì lí do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 âm hơn 207 tỉ đồng.
Câu chuyện bắt đầu từ sự góp mặt của mô hình kinh doanh mới – taxi công nghệ. Mở đầu là Grab, sau đó là Uber, Go-Viet (nay là Go-Jek), Be… Dịch vụ taxi truyền thống dần dần mất đi vị thế, taxi công nghệ lên ngôi nhờ tiện ích linh hoạt hơn, giá cước mềm hơn, đặt xe thuận tiện hơn… Năm 2018, khi vụ kiện giữa Vinasun và Grab diễn ra, thị trường dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đã ghi nhận loại hình taxi công nghệ chiếm hơn 50% thị phần. Bên cạnh đó, loại hình xe ôm công nghệ cũng dần khiến xe ôm truyền thống thu hẹp địa bàn hoạt động.
Hiện tại, Grab đang chiếm thị phần số 1 tại thị trường gọi xe Việt Nam (74,6%) và vẫn đang tiếp tục hoạt động như một nền tảng công nghệ đa dịch vụ từ vận chuyển con người đến hàng hoá, liên kết ví điện tử,… thông qua ứng dụng Grab. Trong 5 năm, doanh thu của Grab Việt Nam tăng gần 20 lần, từ gần 200 tỷ đồng năm 2016 lên gần 3.800 tỷ đồng năm 2020.
Cuộc cạnh tranh giữa mô hình taxi truyền thống với các ứng dụng đặt xe chính là đại diện của 2 mô hình kinh tế cũ và mới, trong đó mô hình mới với sự ứng dụng công nghệ và tận dụng các tiện ích mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh hơn và nhiều lợi ích hơn trong thời đại kinh tế số.
Trả lời Hủy
[vc_row full_width=”” parallax=”” parallax_image=””][vc_column width=”1/1″][vc_widget_sidebar sidebar_id=”default”][/vc_column][/vc_row]